Học viên Nguyễn Tiến Đạt (Viện Hàng không Vũ trụ, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel) hiện tham gia dự án nghiên cứu của chính phủ mang tên UMICROWD tại Pháp. Học viên đang học tập và làm việc tại một số trường như Trường ĐH Sư phạm Paris-Saclay (ENS Paris-Saclay), trường CentraleSupelec, Avignon Université. Nói đến chương trình đào tạo thạc sĩ liên kết giữa 2 trường đại học lớn, học viên Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ: “Chương trình thạc sĩ liên kết này là một research master với mục tiêu khai phá và định hướng nghiên cứu cho các học viên. Quá trình tham gia các học phần trải rộng trên nhiều lĩnh vực, các chương trình ngoại khoá như hội nghị khoa học cho tôi phương pháp nghiên cứu khoa học, là một kỹ năng không chỉ đáp ứng cho công việc mà có thể theo tôi suốt cuộc đời. Ngoài ra, tôi đã giải quyết được một số vấn đề trong công việc bằng cách trao đổi trực tiếp với các giáo sư hàng đầu”. Không những đánh giá cao chương trình, anh Nguyễn Tiến Đạt còn tâm đắc với học phần liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ, giúp anh nhận thức tầm quan trọng của tài sản trí tuệ trong công việc.
Học viên Trần Trọng Duy đang học tập tại ĐH Paris-Saclay, Pháp vô cùng ấn tượng với chương trình, các môn học có hàm lượng kiến thức, thông tin lớn. Trong quá trình học tập, nghiên cứu, Trọng Duy nhận được sự hướng dẫn đến từ các giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực kỹ thuật truyền thông và tín hiệu tại Pháp và Việt Nam. Từ đó, Duy được rèn luyện, làm quen với cách làm việc, nghiên cứu chuyên nghiệp. “Tôi được đặt mình trong môi trường nghiên cứu mở, gặp và trao đổi với các nhà nghiên cứu hàng đầu và các bạn nghiên cứu sinh, học viên quốc tế khác. Trong quá trình thực hiện đề tài, với sự hướng dẫn từ PGS.TS. Maxime Fereirra da Costa, Trường ĐH CentraleSupelec, ĐH Paris – Saclay và PGS.TS. Nguyễn Linh Trung, Trường ĐH Công nghệ đã giúp tôi củng cố kiến thức nền tảng và cho tôi tư duy cách tiếp cận giải quyết các câu hỏi gặp phải khi nghiên cứu. Ngoài ra, qua quá trình lắng nghe và trao đổi với các nhà khoa học từ nhiều lĩnh vực khác nhau, tôi được mở mang tầm nhìn và truyền cảm hứng về các ý tưởng sáng tạo” – Trọng Duy chia sẻ.
Kết quả nghiên cứu của Trọng Duy sau quá trình nghiêm túc học tập, lĩnh hội tri thức cũng được Hội đồng của hai trường đại học đánh giá cao.
Nếu như các học viên khác trong chương trình đều đang thực tập tại Pháp, học viên Vũ Duy Thanh hiện đang thực tập tại bệnh viện đại học Lausanne Lausanne University Hospital (CHUV), là một trong năm bệnh viện đại học tại Thụy Sĩ. Sau 1 năm học tập, nghiên cứu tại Việt Nam và Thụy Sĩ, Duy Thanh nhận thấy, ưu điểm lớn nhất của chương trình là các giảng viên trong nước và quốc tế đều đến từ các trường đại học hàng đầu và có uy tín, là những chuyên gia đầu ngành, có kinh nghiệm chuyên môn cao và nhiệt tình giảng dạy. Bên cạnh đó, học viên có cơ hội được thực tập, tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại Pháp và các đơn vị liên kết với ĐH Paris-Saclay.
Trong giai đoạn thực tập ở Thụy Sĩ, Duy Thanh có cơ hội làm việc trực tiếp với GS.TS. Oliver Chen và đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm thuộc Bộ môn miễn dịch. Thanh đã học được nhiều kinh nghiệm chuyên môn đa dạng từ mỗi thành viên trong nhóm nghiên cứu. “Môi trường làm việc tự do và thoải mái, kết hợp với thời gian linh hoạt, đã giúp tôi tập trung và có nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu” – Duy Thanh cho biết.