• Viện Tiến tiến về Kỹ thuật và Công Nghệ (AVITECH)

  • Tin tức

    Bài giảng đặc biệt của GS. Merouane Debbah, về Nghiên cứu đột phá: từ đổi mới sáng tạo đến phát minh

    Nhận lời mời của Viện Tiên tiến về Kỹ thuật và Công nghệ (AVITECH), Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), ngày 09/03/2021, GS. Mérouane Debbah, Phó Chủ tịch Huawei France Research Center, kiêm Giám đốc Lagrange Mathematical and Computing Research Center, cố vấn quốc tế của AVITECH, đã có buổi nói chuyện về “Nghiên cứu đột phá: Từ đổi mới sáng tạo đến phát minh” (Breakthrough research: from innovation to invention), kết hợp tập trung tại phòng 212-E3, Trường ĐHCN và trực tuyến.

    Tham dự buổi nói chuyện có PGS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc ĐHQGHN, GS. Chử Đức Trình, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCN, GS. Nguyễn Ngọc Bình Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin Kyoto (KCGI), Nhật Bản, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHCN, GS. Đỗ Ngọc Minh Phó Hiệu trưởng VinUniversity; PGS. Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN, PGS. Võ Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng khoa Viễn thông 2, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh; các nhà khoa học, nghiên cứu sinh của Trường ĐHCN và một số đơn vị nghiên cứu khác ở trong và ngoài nước (khoảng 30 người).

    Trong phần đầu của buổi nói chuyện, GS. Mérouane Debbah đã chia sẻ về nghiên cứu đột phá, tập trung vào toán học và các thuật toán cho công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT). Giáo sư đã trao đổi về các loại hình nghiên cứu: từ định hướng kinh doanh, đến định hướng công nghệ, đến gần đây là định hướng đổi mới sáng tạo. Cụ thể, Giáo sư đã phân tích vai trò quan trọng nhưng có hạn chế của nghiên cứu kỹ thuật (engineering research) và nghiên cứu ứng dụng (applied research), từ đó nêu bật vai trò của nghiên cứu cơ bản (fundamental research) để giúp đưa ra các kết quả đột phá, góp phần giải quyết các thách thức lớn. Giáo sư cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các ngành khoa học cơ bản như toán học và vật lý trong sự phát triển CNTT-TT.

    Trong phần thứ hai, GS. Mérouane Debbah cũng đã trao đổi chuyên môn về CNTT-TT, cụ thể về hai mảng chính là là truyền thông (communication) và tính toán (computing), trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nhắc lại các nghiên cứu đột phá, áp dụng của các thuật toán tiên tiến và các kỹ thuật tính toán mới để có được thành tựu CNTT-TT ngày nay, bao gồm trí tuệ nhân tạo, 5G, internet vạn vật, … làm rõ xu thế và tầm nhìn 2030 về CNTT-TT cũng như các thách thức mới. Với đánh giá về một số giới hạn của các lý thuyết nền tảng trên đó CNTT-TT phát triển, giới hạn Shannon, giới hạn của định luật Moore, giới hạn của kiến trúc tính toán, đòi hỏi xây dựng các lý thuyết nền tảng mới cho CNTT-TT, Giáo sư đã gợi mở các mẫu hình mới của CNTT-TT tương lai và các lý thuyết tiềm năng về khoa học viễn thông và khoa học tính toán, góp phần giải quyết các thách thức lớn về bộ nhớ, năng lực tính toán phần cứng, năng lượng tiêu thụ, giao diện vật lý.

    Phần còn lại là trao đổi giữa GS. Merouane Debbah với các nhà khoa học tham dự buổi nói chuyện, có thể làm thế nào để nâng cao hiệu quả tương tác giữa hàn lâm và doanh nghiệp khi doanh nghiệp KHCN thật sự cần những tư tưởng sáng từ các trường đại học, các ứng dụng tiềm năng của AI trong viễn thông tương lai là gì, và đặc biệt là sự trở lại của xử lý tương tự, như biến đổi Fourier quang (optical Fourier transform) mới có thể nâng cao tốc độ xử lý, …

    Được sự đồng ý của GS. Merouane Debbah, buổi nói chuyện cũng đã được ghi video để cộng đồng khoa học về lĩnh vực CNTT-TT ở Việt Nam có thể tham khảo thêm.

    GS. Mérouane Debbah có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT-TT và đã thành lập nhiều phòng nghiên cứu khác nhau. Giáo sư là Fellow của các tổ chức nghề nghiệp uy tín trên thế giới như IEEE, WWRF và EURASIP. Ông là một nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều và đã nhận được nhiều giải thưởng lớn cho công trình nghiên cứu của mình, với hơn 20 giải thưởng các bài báo xuất sắc. Trong lĩnh vực mạng truyền thông không dây, GS. Mérouane Debbah là một trong những nhà nghiên cứu tiên phong về công nghệ small cells cho mạng 4G và công nghệ massive MIMO cho mạng 5G. Giáo sư cũng rất tích cực tham gia vào các hoạt động khoa học công nghệ và đào tạo sau đại học tại Việt Nam về viễn thông, như liên tục trình bày báo cáo mời tại Hội nghị quốc tế về Công nghệ Tiên tiến trong Truyền (ATC: Advanced Technologies for Communications) tổ chức ở Việt Nam lần đầu tiên (2008) và các năm 2009, 2010, viết bài báo mời cho ấn bản đầu tiên của REV Journal on Electronics and Communications (2011), là tạp chí uy tín nhất về viễn thông của Việt Nam, giảng dạy trong chương trình thạc sĩ chuyên ngành Mạng và Truyền thông, liên kết giữa Trường ĐHCN và Trường Đại học Paris-Saclay từ 2008 đến 2012, và là cố vấn quốc tế cho AVITECH từ 2018 đến nay.

    More information

    Video

    Cùng chuyên mục

    Đăng ký nhận tư vấn về chương trình Thạc Sĩ liên kết

    Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) liên kết đào tạo chương trình thạc sĩ ngành Điện tử, Năng lượng điện, Tự động hóa, chuyên ngành Kỹ thuật Truyền thông và Dữ liệu (Communication and Data Engineering) do Đại học Paris-Saclay, Cộng hòa Pháp cấp bằng. Chương trình với ngôn ngữ […]

    Hội thảo “Thoái hóa thần kinh và Trí tuệ nhân tạo”, 20/3/2024, Hà Nội

    Đơn vị tổ chức: Trường ĐH Y Dược, ĐH Quốc gia Hà nội (ĐHQGHN) chủ trì; Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN và Trường ĐH Tự do Bruxelle (VUB) phối hợp. Thời gian: Chiều 20/3/2024 Địa điểm: Trường ĐH Y Dược, ĐHQGHN, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội Thoái hóa thần kinh là thuật ngữ […]

    Khai mạc lễ bảo vệ luận văn tốt nghiệp khoá đầu tiên Chương trình thạc sĩ Kỹ thuật truyền thông và dữ liệu liên kết giữa UET và ĐH Paris-Saclay (Pháp)

    Ngày 19/12/2023, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET) đã tổ chức Khai mạc lễ bảo vệ luận văn tốt nghiệp năm học 2022-2023 cho các học viên khóa đầu tiên chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật truyền thông và dữ liệu liên kết giữa UET và ĐH Paris […]