TS. Ngô Khắc Hoàng, thành viên của Viện Tiên tiến về Kỹ thuật và Công nghệ (AVITECH), Trường Đại học Công nghệ được Liên minh Châu Âu tài trợ nghiên cứu theo chương trình Marie Skłodowska-Curie Action Individual Fellowship (MSCA-IF) với đề tài “Điện toán biên bảo mật với độ trễ thấp trong mạng đa truy cập ngẫu nhiên” (LANTERN: Low-latency and private edge computing in random-access networks) với kinh phí tài trợ gần 200.000 Euros. Đề tài được thực hiện tại Trường Đại học Công nghệ Chalmers, Thụy Điển. Đề tài cũng mở ra cơ hội hợp tác trong Viện Tiên tiến về Kỹ thuật và Công nghệ.
Đề tài tập trung nghiên cứu về công nghệ điện toán biên cho mạng kết nối vạn vật (IoT) với cơ chế đa truy cập ngẫu nhiên. Mạng IoT cho phép số lượng cực lớn các thiết bị cùng kết nối và chia sẻ thông tin. Điều này đòi hỏi phát triển một nền tảng truyền thông và điện toán cho phép xử lý lượng dữ liệu lớn với độ trễ thấp mà việc xử lý tập trung khó đáp ứng được. Công nghệ điện toán biên hướng đến việc đặt tài nguyên tính toán tại biên của mạng, gần nơi dữ liệu được sinh ra, vì thế đảm bảo yêu cầu về băng thông và độ trễ tính toán. Ngoài ra, trong mạng IoT, các thiết bị kết nối có tính không đồng nhất và có thể truy cập vào mạng một cách ngẫu nhiên mà không có sự điều phối. Đề tài sẽ xem xét việc thiết kế hệ thống điện toán biên trong mạng truy cập ngẫu nhiên đảm bảo tính bảo mật và độ trễ thấp.
Dự kiến kết quả nghiên cứu dự kiến của đề tài bao gồm: 1) thiết lập cơ sở lý thuyết cho tính bảo mật và độ tin cậy cho điện toán biên với ràng buộc về độ trễ trong mạng truy cập ngẫu nhiên; 2) thiết kế các mô hình mã hóa cùng với các giao thức đa truy cập ngẫu nhiên đạt độ trễ thấp và đảm bảo tính bảo mật trong điện toán biên. Kết quả của đề tài sẽ góp phần đẩy nhanh việc triển khai mạng IoT trong tương lai gần.
Chương trình MSCA-IF hàng năm tài trợ cho các nhà nghiên cứu trẻ được chọn thực hiện tại Châu Âu đề tài nghiên cứu. Đây là một chương trình tài trợ danh giá và có tính cạnh tranh cao. Các đề tài được hội đồng đánh giá dựa trên chất lượng nghiên cứu, tác động của đề tài đến sự phát triển của nhà nghiên cứu trong tương lai và sự phù hợp của cơ quan tiếp nhận. Ba tiêu chí cho điểm bao gồm Excellence (chất lượng khoa học), Impact (tác động) và Implementation (kế hoạch thực hiện). Đề tài LANTERN của TS. Ngô Khắc Hoàng được các nhà khoa học đánh giá đạt 97,4/100 điểm (điểm đạt cho lĩnh vực khoa học và kỹ nghệ thông tin là 94/100 điểm).
TS. Ngô Khắc Hoàng là cựu sinh viên khoá QH-2010 (K55) tốt nghiệp thủ khoa ngành Công nghệ Điện tử-Viễn thông, hệ chuẩn quốc tế của Trường Đại học Công nghệ, đã hoàn thành chương trình học thạc sĩ và tiến sĩ ở Đại học Paris-Saclay, CH Pháp và hiện đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trường Đại học Công nghệ Chalmers, là một trong những trường đại học hàng đầu tại Thụy Điển trong lĩnh vực kỹ thuật. TS. Ngô Khắc Hoàng đã có nhiều công trình khoa học đã công bố, trong đó có 05 bài trong các tạp chí hàng đầu của lĩnh vực truyền thông vô tuyến và lý thuyết thông tin (IEEE Transactions) và 01 bằng sáng chế.