Ngày 22/11/2022, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Lễ khai giảng năm học 2022-2023 cho các học viên chương trình Thạc sĩ liên kết Kỹ thuật truyền thông và dữ liệu với ĐH Paris – Saclay (Pháp).
Về phía ĐHQGHN có sự tham dự của PGS.TS. Lê Thị Thu Thủy – Phó Trưởng ban Đào tạo. Về phía Trường ĐH Công nghệ có PGS.TS. Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Nguyễn Ngọc An – Phó Trưởng phòng KHCN&HTPT, PGS.TS. Nguyễn Linh Trung – Viện trưởng Viện Tiên tiến về Kỹ thuật và Công nghệ cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trong Trường. Chương trình còn có sự tham gia của các khách mời, Ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng ban Nhân sự Tập đoàn Công nghiệp – viễn thông quân đội Viettel, TS. Trịnh Đình Hoàn – Trung tâm không gian mạng Viettel, PGS.TS. Trần Xuân Tú – Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin – ĐHQGHN, TS. Đỗ Thanh Hà – Phó Chủ nhiệm khoa Toán – Tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN. Đặc biệt, buổi lễ còn có sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của đại diện ĐH Paris – Saclay gồm GS.TSKH Pierre Duhamel – cố vấn chương trình, giảng viên; GS. Franck Richecoeur – Trưởng khoa sau đại học về Hệ thống và khoa học kỹ thuật.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ gửi lời chúc mừng đến các học viên khóa I của chương trình Thạc sĩ liên kết với ĐH Paris – Saclay về Kỹ thuật truyền thông và dữ liệu. Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà đã nhắc lại quá trình hợp tác đào tạo với Trường ĐH Paris-Sud (tiền thân của ĐH Paris-Saclay) từ năm 2006, với sự điều phối đầu tiên phía Pháp của GS. Sylvie Retailleau, sau là Giám đốc ĐH Paris-Saclay và nay là Bộ trưởng Bộ Đại học và Nghiên cứu của Pháp. Có thể nói, chương trình Thạc sĩ liên kết về Kỹ thuật truyền thông và dữ liệu là sự may mắn khi Trường ĐH Công nghệ được kế thừa sự hợp tác từ Trường ĐH Paris-Sud. Bên cạnh đó, Hiệu trưởng còn gửi lời cảm ơn đến GS.TSKH Pierre Duhamel là cố vấn và đồng Trưởng phòng thí nghiệm Kết nối trí tuệ số của Viện Tiên tiến về Kỹ thuật và Công nghệ đã có những hoạt động giảng dạy đối với học viên khóa I của chương trình, đồng thời GS cùng nhóm nghiên cứu xây dựng hướng nghiên cứu đối với phòng thí nghiệm.
Cuối cùng, Hiệu trưởng hi vọng chương trình này sẽ là cầu nối để kết nối các tập đoàn doanh nghiệp Việt Nam với nhiều trường đại học tiên tiến hàng đầu nước ngoài, từ đó sẽ triển khai hợp tác với các bên giữa Trường – Doanh nghiệp thông qua hoạt động đào tạo, nghiên cứu.
Đại diện ĐH Paris-Saclay, GS. Franck Richecoeur – Trưởng khoa sau đại học về Hệ thống và khoa học kỹ thuật bày tỏ niềm vui khi sự hợp tác giữa ĐH Paris-Saclay và Trường ĐH Công nghệ mặc dù có nhiều khó khăn nhưng đã được hiện thực hóa và giảng viên, sinh viên có thể trao đổi. Giáo sư hi vọng chương trình này sẽ giúp học viên được tiếp cận những thông tin khoa học và công nghệ chuyên sâu, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, đồng thời được gặp gỡ, làm việc với công ty quốc tế. Giáo sư cũng mong muốn mô hình hợp tác này sẽ được lan tỏa cho những chương trình khác, từ đó giúp người học có thêm nhiều trải nghiệm, khát vọng đối với sự nghiệp tương lai.
Đại diện học viên khóa I của chương trình, học viên Vũ Duy Thanh bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khi trở thành học viên khóa đầu tiên của chương trình thạc sĩ liên kết với ĐH Paris-Saclay về Kỹ thuật truyền thông và dữ liệu. Anh cho biết lý do lựa chọn chương trình này vì đây là chương trình liên kết của hai trường top đầu về công nghệ là Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN và ĐH Paris-Saclay, Pháp, học viên sẽ được làm việc với các giảng viên hàng đầu của 2 trường và được tiếp cận nhiều kiến thức công nghệ chuyên sâu.
Trong khuôn khổ lễ khai giảng, GS.TSKH Pierre Duhamel – ĐH Paris-Saclay đã trình bày báo cáo “Evaluating the reliability of machine learning algorithms”.
Chương trình thạc sĩ chuyên ngành kỹ thuật viễn thông và dữ liệu có thời gian đào tạo chuẩn là 12 tháng. Học viên phải tích lũy 60 tín chỉ ETCS (theo hệ thống của châu Âu), trong đó 40 ETCS là học phần và 20 ETCS là luận văn thạc sĩ. Chương trình có 6 học phần cơ sở chuyên ngành (bắt buộc), 2 học phần chuyên sâu chuyên ngành (lựa chọn trong 3 học phần) và 1 học phần bổ trợ (lựa chọn trong 2 học phần).
Chương trình được thiết kế với 3 cấu phần chính là truyền thông, mạng truyền thông, dữ liệu (15 ECTS) với số tín chỉ tương đương nhau. Chương trình cũng có sự hài hòa giữa lý thuyết khoa học kỹ thuật và thực tiễn công nghệ. Khía cạnh công nghệ bao gồm mạng viễn thông 4G, 5G, mạng IoT, phân tích dữ liệu IoT và an toàn an ninh mạng.
Học viên tốt nghiệp chương trình sẽ có kiến thức chuyên sâu và kỹ năng vững vàng để làm việc tốt trong những môi trường trong nước và quốc tế đòi hỏi năng lực cao về kỹ thuật và công nghệ, như kỹ sư chính, quản lý các dự án nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực như truyền thông, mạng truyền thông, an ninh mạng, xử lý dữ liệu, AI.
Chương trình dành 5% kinh phí thu được từ học phí để cấp học bổng. Đặc biệt, học viên còn có cơ hội sang Pháp làm luận văn thạc sĩ, với kinh phí do đối tác tài trợ. Bên cạnh đó, người học cũng có cơ hội học lên tiến sĩ tại ĐH Paris-Saclay hay tại các trường ĐH có uy tín khác trên thế giới.
Một số hình ảnh tại lễ khai giảng:
Tin bài liên quan:
Tạp chí Thông tin và truyền thông: Đào tạo thạc sĩ kỹ thuật truyền thông và dữ liệu được cấp bằng ĐH Pháp