Ngày 10/03/2021, tạp chí Nature Communications ra số 12, đã công bố công trình nghiên cứu Sự co ngót của vàng khi cấy hydro nồng độ tăng dần (Unusual hydrogen implanted gold with lattice contraction at increased hydrogen content) của các tác giả Nguyễn Khắc Thuận, Vương Văn Hiệp, Nguyễn Thế Nghĩa, Nguyễn Trọng Tĩnh, Tomoyuki Yamamoto, Hoàng Nam Nhật.
Công trình này do GS.TS. Hoàng Nam Nhật chủ trì nghiên cứu bắt đầu triển khai từ năm 2017. Các thực nghiệm chỉ ra về sự giảm thể tích của vàng khi nguyên tử vàng được thay bởi một lượng nhỏ hydro nguyên tử. Sự giảm của mạng tinh thể khi bổ sung các nguyên tố khác chưa từng xảy ra, đặc biệt ở trạng thái rắn, không chỉ đối với vàng mà còn đối với nhiều chất rắn khác. Các lý giải hiện tượng lạ này dựa trên động học hấp thụ thuần túy là không khả thi vì các tương tác cụ thể của hydro trong mạng tinh thể cần được xem xét đến. Nghiên cứu của các tác giả chỉ ra tầm quan trọng của việc hình thành các liên kết hydro động và giải thích tại sao những liên kết này trở nên yếu hơn khi có nhiều nguyên tử hydro thay trong mạng. Sự thay thế hydro ở vùng nồng độ thấp đã dẫn đến một quá trình ngược lại với sự nở ra của thể tích, thường thấy trong vật liệu kim loại chứa hydro.
Trong công trình này, GS.TS. Hoàng Nam Nhật là tác giả của các ý tưởng, thiết kế các thí nghiệm, phân tích dữ liệu và viết bản thảo. Chế tạo vật liệu, đo nhiễu xạ tia X, phổ Raman, UV-Vis và hiệu ứng Hall đươc thực hiện bởi TS. Nguyễn Khắc Thuận và ThS.NCS Vương Văn Hiệp. TS. Nguyễn Trọng Tĩnh đã thực hiện các khảo sát bề mặt bằng kính hiển vi điện tử quét (SEM) và kính hiển vi nguyên tử lực (AFM). Giáo sư Tomoyuki Yamamoto thực hiện các khảo sát bằng phương pháp nhiễu xạ tia X, phổ Raman và phân tích các đặc tính quang học cũng như tham gia hoàn thiện bản thảo.
Nature được xếp hạng là tạp chí khoa học, đa ngành, đa lĩnh vực, có uy tín và trích dẫn nhiều nhất trên thế giới với hơn 150 tuổi. Nature có nhiều tập san chuyên ngành khác nhau như Nature Physics, Nature Biology, … nhưng 2 ấn phẩm là Nature và Nature Communications xuất bản đa ngành. Những công trình đăng trong tạp chí này được cộng đồng các nhà khoa học đánh giá rất cao và chỉ những công trình có chất lượng khoa học vượt trội mới được xuất bản. Nature Communications có ranking SCI/Q1 với chỉ số ảnh hưởng năm 2019 là IF 12,124. Hằng năm, Nature Communications nhận được khoảng hơn 50.000 bản thảo từ khắp nơi trên thế giới gửi về nhưng tỉ lệ được chấp nhận đăng chỉ khoảng 7,7%.
Tin về công trình trên Newsbreak.